Câu hỏi: Mẹ em 65 tuổi, khỏe mạnh, sinh hoạt vui vẻ bình thường nên không ai biết bệnh tình của mẹ. Vô tình chúng em thấy mẹ bị dơ quần thì mẹ mới chịu nói là có khối sa bất thường ở vùng kín. Đi khám thì bác sĩ nói là bị sa tử cung ra ngoài âm hộ, sa thành trước âm đạo và bàng quang, sa thành sau âm đạo kèm trực tràng nên gây chảy máu. Bác sĩ nói là bắt buộc phải mổ để không gây biến chứng ảnh hưởng đến sau này, nhưng mẹ em lớn tuổi, sợ mổ nên tìm mọi cách để trì hoãn. Xin hỏi trường hợp của mẹ em khi điều trị tỷ lệ thành công có cao không và phương pháp mổ như thế nào ạ?
Giải đáp từ chuyên gia:
Chào bạn,
Câu hỏi của bạn cũng là một vấn đề mà nhiều phụ nữ độ tuổi mãn kinh cần phải quan tâm rất nhiều. Thực ra độ tuổi của mẹ bạn, 65 tuổi chưa được tính là “tuổi cao” đâu, vì theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới thì từ 80 tuổi mới được coi là “người cao tuổi”.
Phụ nữ sau khi mãn kinh rất dễ có những khối sa ở vùng kín, bởi sau quá trình mang thai và sinh đẻ đã gây tổn thương và phá hủy cấu trúc nâng đỡ tại vùng chậu, bàng quang, trực tràng. Khi phụ nữ mãn kinh thì mức estrogen xuống tới mức thấp nhất và cấu trúc nâng đỡ bao gồm các sợi collagen, các mô đàn hồi gần như bị đứt hết hoặc tiêu hết nên không thể nâng đỡ được nữa. Hậu quả là lần lượt có sa tử cung, sa bàng quang hoặc trực tràng… xuất hiện đơn độc hoặc cùng một lúc. Khối sa bị cọ xát bên ngoài lâu ngày sẽ làm cho vùng đó bị loét, nhiễm trùng, rỉ dịch vàng hoặc chảy máu nếu đụng phải các mạch máu. Đó là lý do bạn phát hiện thấy đáy quần của mẹ mình bị dơ, hoặc thậm chí là có máu.
Ngoài ra, những người phụ nữ trong độ tuổi này đi tiểu rất khó khăn, nhiều khi phải dùng tay nâng phía dưới lên thì mới đi tiểu được. Đó là do sa bàng quang dẫn tới gập góc bàng quang nên đi tiểu không hết, tiểu lắt nhắt. Có những người đi cầu không được là do sa trực tràng, khuôn phân xuống đổ vào túi sa chứ không đổ vào hậu môn nên phân không đi ra ngoài được. Các tình trạng này được gọi chung là sa sinh dục, hay sa tạng chậu.
Trường hợp như của mẹ bạn không phải là hiếm, bởi riêng việc mang thai ở phụ nữ thôi cũng đã làm hỏng cấu trúc nâng đỡ rồi, chưa kể đến khi sinh con cũng là thêm một lần “tàn phá” các cấu trúc đó. Khi tới độ tuổi mãn kinh không còn estrogen thì như “giọt nước tràn ly”, khiến cho tình trạng sa tạng chậu càng dễ xuất hiện. Mức độ sa ở mỗi người sẽ khác nhau từ độ 1, 2, 3 đến độ 4. Càng lớn tuổi thì độ sa càng cao hơn.
Quay lại trường hợp của mẹ bạn, bị sa cả 3 cơ quan là tử cung, bàng quang và trực tràng, thêm vào đó là có tình trạng rỉ dịch chảy máu nên bắt buộc phải điều trị. Việc đầu tiên cần phải điều trị qua giai đoạn viêm loét, sau đó tùy theo mức độ sa và bệnh lý đi kèm của tử cung sẽ quyết định phẫu thuật hay sử dụng các phương tiện để “nâng đỡ” khối sa này lên, chẳng hạn như vòng nâng đặt trong âm đạo pessary.
Mẹ của bạn mới 65 tuổi, không phải quá cao, với độ sa lớn như thế này thì nên phẫu thuật bởi tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên phẫu thuật ở mức độ nào? Treo lên để phục hồi về bình thường hay cắt tử cung? Điều đó sẽ phụ thuộc vào tình trạng của tử cung và những tổn thương đang có, thông qua việc thăm khám chuyên sâu.
Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe.
Thân mến!
—
Có thể bạn quan tâm: