Câu hỏi: BS cho em hỏi, trong thời kỳ tiền mãn kinh nhưng kinh nguyệt vẫn đều thì có những phương pháp tránh thai nào ở tuổi này, và ưu nhược điểm của các biện pháp tránh thai này để em lựa chọn ạ?
Giải đáp từ chuyên gia:
Chào bạn,
Mặc dù đến độ tuổi tiền mãn kinh, khả năng mang thai sẽ thấp hơn nhưng chị em phụ nữ vẫn nên áp dụng các biện pháp để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nếu như kinh nguyệt vẫn còn và mình không có khó chịu gì khác thì hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tránh thai thông thường như đặt vòng, dùng thuốc tránh thai, bao cao su, cấy que ngừa thai, hoặc xuất tinh ngoài…
Dưới đây là một số ưu – nhược điểm của các biện pháp tránh thai phổ biến, bạn tham khảo để cân nhắc phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình:
- Phương pháp tránh thai vật lý: Bao cao su nam/nữ. Sử dụng được cho mọi lứa tuổi, tỷ lệ tránh thai cao, an toàn khi sử dụng trong mọi độ tuổi và đồng thời có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Thuốc tránh thai kết hợp (COCP): Thận trọng khi sử dụng ở phụ nữ ngoài 40 tuổi và phụ nữ trên 35 tuổi bị thừa cân. Thuốc này an toàn đối với phụ nữ khỏa mạnh, không có yếu tố nguy cơ tim mạch, đau nửa đầu. Thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt, có thể dùng thay cho liệu pháp thay thế hormone HRT để điều trị triệu chứng mãn kinh và ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ dưới 50 tuổi.
- Thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen (POP): An toàn hơn so với thuốc tránh thai kết hợp, dùng được cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh hoặc rong kinh.
- Que cấy tránh thai: Là một thanh nhựa nhỏ được đặt dưới da ở cánh tay trên và có tác dụng trong ba năm. Cấy que tránh thai có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều, mất kinh hoàn toàn hoặc rong kinh.
Theo khuyến cáo, phụ nữ dưới 50 tuổi nên sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 2năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Phụ nữ trên 50 tuổi nên sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 1 năm sau kỳ kinh cuối cùng.
Tuy nhiên, có một số lưu ý là trong giai đoạn này, cơ thể mình có thể xuất hiện một số bệnh hệ thống của các cơ quan khác. Đó có thể là tăng lipid máu (mỡ máu), đái tháo đường, bệnh tim mạch,… Nếu có các bệnh lý này thì chúng ta cũng nên cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc ngừa thai. Bạn cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh trên, nếu có bệnh lý, cần ưu tiên thuốc điều trị bệnh lý và sử dụng các biện pháp tránh thai không dùng thuốc.
Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe,
Thân mến!
—
Có thể bạn quan tâm: